Tại hội thảo, các doanh nghiệp (DN) trong ngành bao bì cùng với các chuyên gia Đức đã thảo luận về sự phát triển của toàn ngành bao bì và thông tin về hội chợ Interpack 2017. Các chuyên gia đánh giá, hội chợ sẽ là cầu nối để các của DN bao bì Việt Nam vươn tới thị trường EU nói riêng và thế giới nói chung, với tổng diện tích gian hàng dự kiến của DN Việt Nam là 150m2.
Đánh giá về sự phát triển của ngành công nghiệp bao bì Việt Nam thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Sang - Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam (VIPAS) cho biết, đây là một trong những ngành công nghiệp phát triển mạnh ở Việt Nam, đặc biêt khi nhu cầu trong nước ngày càng cao đối với hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm và mở rộng xuất khẩu những sản phẩm cần được đóng gói. Lĩnh vực đóng gói bao bì tăng trưởng trung bình từ 15 - 20%/năm. Hiện tại, Việt Nam có hơn 900 nhà máy đóng gói bao bì, khoảng 70% trong số đó tập trung ở các tỉnh thành phía Nam. Thị trường có thể được chia làm 5 lĩnh vực chính bao gồm đóng gói bao bì nhựa, carton/giấy, đóng gói kim loại và các loại khác.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, trong những năm gần đây, ngành bao bì nhựa cũng đã phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 25%/năm. Bao bì nhựa phát triển mạnh do ngành lương thực, thực phẩm có bước tăng trưởng tốt. Các DN đã đầu tư những dây chuyền công nghệ mới và cung ứng ra thị trường nhiều chủng loại bao bì cao cấp, đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm như bao bì sử dụng màng ghép phức hợp có chức năng gia tăng độ bảo quản, kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm mà không cần dùng chất bảo quản...
Hiện tại, có khá nhiều DN đang tham gia vào thị trường bao bì với các chủng loại sản phẩm khác nhau như giấy, nhựa, màng kim loại, chai nhựa PE... Phân khúc thị trường cũng có sự phân chia rõ rệt giữa các DN phục vụ cho các đối tượng khách hàng nhỏ lẻ và các DN bao bì có thương hiệu chiếm lĩnh hầu hết nhóm các khách hàng lớn. Chẳng hạn, nhóm chai nhựa PET với những thương hiệu lớn như Ngọc Nghĩa, Bảo Vân; Nhựa Tân Tiến, Nhựa Rạng Đông chiếm lĩnh thị phần bao bì nhựa thân thiện với môi trường được dùng trong đóng gói sản phẩm; còn nhóm bao bì giấy cho thị trường sữa, thị phần tập trung vào Tetra Pak (Thụy Điển), Combibloc (Đức)... vì yêu cầu công nghệ cao.
Tuy nhiên, một trong những thách thức mà ngành công nghiệp bao bì trong nước phải đối mặt là công nghệ chưa cao khiến cho các DN chưa thực sự tham gia vào chuỗi giá trị và tạo ra lợi nhuận bền vững. Giải pháp hàng đầu được các chuyên gia đưa ra chính là sự thay đổi và áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, áp dụng các vật liệu mới, đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến nhằm tăng tính hiệu quả và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Ông Bjoern Koslowski - Phó trưởng đại diện của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho biết, máy móc của CHLB Đức luôn được coi là sự lựa chọn hàng đầu và là đầu tư bền vững bởi chất lượng và công nghệ hiện đại tuy giá thành có cao hơn. Năm 2015, tổng giá trị máy móc của CHLB Đức phục vụ trong ngành bao bì được Việt Nam nhập về là 85 triệu Euro, chỉ đứng sau Trung Quốc. Với sự tăng trưởng trong kết nối giao thương công nghệ này các DN ngành bao bì Việt Nam có cơ hội hiện đại hóa sản xuất và tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm.